Toyota Altis, một trong những dòng xe được săn lùng vì giữ giá nhất Việt Nam nhưng giờ giá bán giảm từng ngày.
Anh Nguyễn Lâm, sếp một công ty truyền thông tại Hà Nội, quyết định bán chiếc Toyota Altis sau 7 năm sử dụng. Xe anh mua năm 2010, đời 2006 số sàn, chạy hơn 100.000 km, đăng ký chính chủ.
Trên một số website, xe tương tự của anh rao bán giá từ 370 đến 410 triệu. Để có thể đẩy nhanh, anh quyết định để giá thấp hơn thị trường, tầm 360 triệu. Một ngày sau, 7 cuộc gọi đến. Thợ có, người mua có.
Nhưng có một vấn đề, Lâm mất rất nhiều thời gian cho những yêu cầu xem xe, chạy thử. Thứ mà với anh còn quan trọng hơn là 10 triệu nên anh quyết định bán cho thợ. Chấp nhận giảm giá tiếp.
Tình hình không như tính toán. Tất cả thợ anh biết đều lắc đầu nguây nguẩy: “Giá cao quá. Xe đó chỉ tầm 330 triệu”. Lâm sốc và do dự.
Những thay đổi chóng mặt theo ngày đó vốn không phải truyền thống của các dòng xe cũ Toyota. Lý do quan trọng nhất là Toyota chỉ tăng giá xe mới chứ không giảm. Vì thế nhu cầu xe cũ tăng cao, luôn dễ bán và giữ giá.
Nhưng trong cơn bão giảm giá ồ ạt của các hãng xe khác thời gian gần đây, hãng xe Nhật cũng không thể ngồi yên và giữ bản sắc khi thị phần bị giảm. Khá bất ngờ, nhóm khách hàng trung thành của Toyota không hẳn vui khi tháng 7/2016 hãng thông báo giảm giá 60 triệu cho Vios và Altis.
Việc Toyota giảm giá sâu, khiến không chỉ người bán mà ngay cả thợ xe cũng lao đao.
Đức Đồng, thợ xe lâu năm tại khu vực Cầu Giấy, cho biết: “Tháng trước tôi mua Vios E 2014 giá 440 triệu, nghĩ dòng xe này vợt lúc nào chả được khách nên ôm vào với giá không thể lỗ”. Nhưng giá xe mới giảm ầm ầm khiến anh trở tay không kịp.
Cắt lỗ, Đồng ngậm ngùi đẩy chiếc xe đi thật nhanh khi thu về chỉ 430 triệu, lỗ 10 triệu chưa kể tiền bị kẹt ở đó gần một tháng.
Hiện thợ xe cũng dè chừng việc mua vào. Gặp khách, thợ không quá vồn vã như trước và đưa ra giá rất thấp. “Trả khoảng giá thật xa mà cũng chưa chắc an toàn trong tình hình này. Trả vậy khách cũng không thể quyết định bán ngay, trong thời gian này có thể tìm khách mua kiếm chút đỉnh chứ không dám ôm vào”, anh Hoàng Nam, một thợ xe khác tại đường Giải Phóng, cho biết.
Nhưng tay thợ “lọc lõi’ cũng khó tránh mua hớ tại thời điểm này. Họ tự cho mình cái quyền nới rộng biên độ giá để giảm thiểu rủi ro.
Giá xe mới giảm sâu, khiến thị trường mua bán xe cũ trở nên lộn xộn. Việc mua bán trở nên cầm chừng và khó định giá, người bán không muốn bán giá rẻ, người mua muốn chờ thêm chút có thể giá sẽ rẻ hơn đáng kể. Giá xe cũ thay đổi từng ngày thậm chí có những xe giá giảm theo giờ. Mọi động thái phụ thuộc khá nhiều vào việc giảm giá bán của xe mới.
Sau một tuần đi công tác, anh Lâm quay trở lại với việc bán xe. Để không mất thêm thời gian, chấp nhận với giá 330 triệu và gọi cho Trung, một trong những người thợ nhiệt tình và anh cảm nhận có thể giải quyết việc này nhanh nhất.
Thế nhưng một lần nữa, anh lại thất vọng, Trung nói với anh: “Giá xe của anh chỉ giờ chỉ có thể là 310 triệu thôi”. Không thể tin nổi, anh tiếp tục gọi cho một vài thợ xe khác, họ lại “đồng thanh” giá 315- 310 triệu, thậm chí 305 triệu.
Trước đó, theo cách của thợ nói chung và của Trung là “Giá 360 triệu anh xuống một chút, em lên một chút chia đôi là 330 triệu”. Giờ vẫn lập luận đó giá 330 triệu lại tiếp tục được chia khi dừng lại ở con số 315 triệu.
Ngay lúc hoang mang nhất, anh nhận được một cuộc điện thoại trả giá 320 triệu. Không cần hỏi tên anh quyết định bán ngay chiếc xe để không mất thời gian, thậm chí mất giá thêm nữa.
Người thợ này ôm tiền mặt đến mua xe, khi hoàn tất thủ tục không quên “lèo nhèo” thêm 2 triệu tiền “ra lộc”.
Cuối cùng, thì anh Lâm cũng bán được xe và trường hợp của anh không phải hiếm tại thời điểm này tại thị trường mua bán xe cũ.
Theo VnExpress