Cambodia Amazing Trip: Cuộc phiêu lưu mới của Autozone

Sau thành công của hành trình AMG Amazing Trip diễn ra vào cuối năm 2017, Autozone.vn tiếp tục thực hiện hành trình Cambodia Amazing Trip với hai mẫu xe hiệu suất cao Subaru Impreza STI, một mẫu xe nguyên bản cùng một chiếc đã độ lên 500 mã lực.

Sau thành công của hành trình AMG Amazing Trip diễn ra vào cuối năm 2017, Autozone.vn tiếp tục thực hiện hành trình Cambodia Amazing Trip với hai mẫu xe hiệu suất cao Subaru Impreza STI, một mẫu xe nguyên bản cùng một chiếc đã độ lên 500 mã lực.

Hành trình sẽ đi qua nhiều địa điểm du lịch thú vị của đất nước Cambodia, hay còn gọi là Campuchia theo tiếng Việt. Đây sẽ là những địa điểm mà rất ít người Việt Nam đã từng đặt chân đến, Autozone sẽ khám phá và thông tin cho tất cả mọi người từng đường đi nước bước nếu muốn tự mình thực hiện một chuyến du lịch “phượt” đúng nghĩa bằng ô tô.

Đồng hành cùng chương trình sẽ là các đơn vị tài trợ như Amthanhxehoi.com, Glanz, Minh Phú AutoPro Wrap.

Dưới đây là video clip công tác chuẩn bị cũng như các thủ tục để xin giấy phép trước chuyến đi thú vị này:

LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA

Lịch sử của Campuchia bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên với việc ra đời của Vương quốc Phù Nam (Funan), được cho là quốc gia đầu tiên ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ tại vùng Đông Nam Á. Ngày nay, văn hóa, các phong tục truyền thống và cả ngôn ngữ của người Khmer hầu hết đều bắt nguồn từ giai đoạn này. Chữ Phạn, một nhánh của ngữ hệ Môn-Khmer là ngôn ngữ được sử dụng để giao tiếp và viết trong thời kỳ đó. Tôn giáo trong giai đoạn đầu là Đạo Hindu, thống trị một thời gian rất dài trước khi Đạo Phật được phổ biến tại đây. Các chứng tích về sự giao thoa văn hóa và tôn giáo này ngày nay vẫn còn tồn tại rất nhiều tại Campuchia, thể hiện qua các công trình kiến trúc cổ, cách thức làm nông nghiệp của người dân và cả thông qua các trang phục truyền thống.

Vương quốc Phù Nam khi đó nằm trên vùng đất ngày nay là các tỉnh phía nam Campuchia và Tây Nam Việt Nam, tồn tại trên 600 năm. Triều đại này dần suy sụp vào thế kỷ thứ 7 và bị Vương quốc Chân Lạp (Chenla) xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ. Chân Lạp là quốc gia có vị trí tại phía Bắc Campuchia và Nam Lào ngày nay. Triều đại cầm quyền của Chân Lạp có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Campu, lấy nàng Naga (con gái thần nước, biến từ rắn thành thiếu nữ). Tên gọi Campuchia, xuất hiện vào khoảng thế kỷ 10, gắn với tên nhân vật này. Sau năm 707, Chân Lạp bị chia rẽ nội bộ rồi tách thành hai quốc gia Lục Chân Lạp còn gọi là Thượng Chân Lạp (chiếm cứ vùng rừng núi phía Bắc) và Thủy Chân Lạp (chiếm cứ vùng đồng bằng sông Mekong bao gồm các tỉnh phía Nam Campuchia và Tây Nam Việt Nam ngày nay). Đến năm 715, một số nước nhỏ hơn tiếp tục tách ra khỏi hai nước trên làm cho Chân Lạp càng suy yếu.

Đây chính là thời điểm hình thành là phát triển của Đế chế Angkor hùng mạnh, thiết lập nên một vương quốc của người Khmer. Các thế hệ vua của Đế chế Angkor được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ và quần đảo Java thuộc Indonesia ngày nay, thay nhau cai trị trong khoảng 650 năm trên một lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Miến Điện (Myanmar) ở phía Tây ra tới Biển Đông của Việt Nam và phần Nam Lào ngày nay. Chính các vua của Đế chế Angkor đã xây dựng vô số các đền tháp, cung điện mà ngày nay được xem là kỳ quan nhân tạo của loài người. Các công trình này được xây dựng trên khắp lãnh thổ của Đế chế, Angkor Wat là thành tựu rực rỡ nhất. Các vị vua được nhắc đến nhiều nhất trong thời kỳ này là: Jayavarman II, Indravarman I, Suryavarman II, Jayavarman VII. Bên cạnh các công trình kiến trúc hũng vĩ bậc nhất trên thế giới, các vị vua này còn là những người đem lại sự phát triển vượt bậc cho nền văn minh nông nghiệp với các thành tựu như hàng loạt kênh tưới tiêu phức tạp, các hồ dự trữ nước và vô số hệ thống giao thông đường thủy đảm bảo việc vận chuyển lương thực. Nhiều hệ thống này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày hôm nay.

Angkor trở thành kinh đô của Đế chế, nơi tập trung bộ máy quyền lực, giáo dục, tôn giáo và thương mại. Tuy nhiên, cuối thế kỷ 13 một cuộc binh biến đã xảy ra. Angkor bị xâm lược và cuối cùng hoàn toàn tan rã. Một trong những thành tựu sáng tạo vĩ đại nhất của loài người bị tàn phá nặng nề. Toàn bộ cư dân và sự hùng mạnh đáng tự hào trước đây trở nên bị lãng quên và dần bị rừng rậm che phủ và tàn phá.

Sau khi Angkor bị lãng quên, kinh đô của Campuchia dời về phía nam tại Long Vek, rồi Ou Đông, và cuối cùng là Phnom Penh. Sự tàn phá kinh đô Angkor hùng mạnh cũng gây ra một sự suy sụp, thay đổi trong tôn giáo, Đạo Phật Tiểu thừa (còn gọi là Nam Tông) đã chiếm vị trí độc tôn của Đạo Hindu, trở thành quốc đạo.

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, Campuchia thường xuyên bị người Thái và người Việt xâm lấn. Luôn sống trong cảnh phải kháng cự với các thế lực ngoại bang, cuối cùng Campuchia rơi vào ách thực dân của người Pháp. Năm 1863, vua Norodom ký Thỏa ước bảo hộ với nước Pháp, đặt Campuchia dưới sự cai trị của thực dân Pháp trong 90 năm sau đó. Sua khi vua Norodom chết năm 1904, một người trong hoàng tộc là Sisowath trở thành vị vua mới của Vương quốc Campuchia, vẫn dưới sự cai trị của người Pháp. Tuy nhiên, ngai vàng sau đó lại quay trở lại với dòng chính thức của vua Norodom khi vua Norodom Sihanouk lên ngôi vào năm 1941, khi đó ông mới 18 tuổi. Không lâu sau đó, chiến tranh Thế giới lần thứ II lan đến Campuchia khi quân Nhật đánh bại lực lượng Pháp tại Đông Dương. Vua Sihanouk tận dụng thời cơ đưa đất nước thoát khỏi sự cai trị của ngoại bang.

Nhiều năm sau đó, ông vẫn luôn kiên trì với mục tiêu đó và thật sự đạt được thành công khi tuyên bố độc lập hoàn toàn vào năm 1953, chấm dứt 90 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Năm 1959, vua Sihanouk thoái vị và trao danh hiệu quốc vương cho cha mình là vua Norodom Saramarith, hoàng thân Sihanouk trở thành Quốc trưởng và trực tiếp điều hành chính phủ.

Trong gian đoạn từ 1950 đến 1970, Vương quốc Campuchia tự chủ và phát triển thịnh vượng, đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt. Campuchia thời điểm đó còn được coi là viên ngọc Phương Đông. Không may là gian đoạn này lại chấm dứt qúa nhanh. Chiến tranh leo thang tại Việt Nam đã biến vùng biên giới Campuchia trở thành mục tiên đánh phá của Mỹ. Các diễn biến tiếp theo đã dẫn tới sự kiện ngày 18 tháng 3 năm 1970, tướng Lon Nol được sự hậu thuẫn của người Mỹ làm đảo chính lật đổ Quốc trưởng Sihanouk. Campuchia rơi vào tình trạng chiến tranh ngay sau đó, cuộc chiến chủ yếu diễn ra giữa lực lượng của Lon Nol và Mặt trận kháng chiến cộng sản Khmer, sau này biến tướng trở thành lực lượng Khmer Đỏ đứng dầu bởi Pol Pot. Lực lượng của Lon Nol kiểm soát Campuchia trong hơn 5 năm, cuối cùng sụp đổ bởi Khmer Đỏ vào ngày 17 tháng 4 năm 1975.

Lịch sử hủy diệt lại lập lại một lần nữa: chỉ 3 giờ sau khi quân của Pol Pot tràn vào Phnom Penh, toàn bộ cư dân bị ép buộc di tản khỏi thành phố một thời thịnh vượng để biến nơi đây trở thành đổ nát hoang tàn. Sau cuộc di tản, Khmer Đỏ ép Hoàng thân Sihanouk trở về Phnom Penh để tiếp tục vị trí Quốc trưởng, nhưng thực tế là để giam lỏng ông ngay trong Hoàng cung. Khmer Đỏ bắt đầu thi hành chính sách cai trị khủng bố trên khắp Campuchia. Người dân bị ép buộc một các tàn bạo để lao động trên những cánh đồng như những nô lệ, họ phải chịu cảnh lao động nặng nhọc, bị đánh đập và bỏ đói. Trong xã hội dưới thời Khmer Đỏ không tồn tại khái niệm bệnh viện và trường học, giáo viên và bác sĩ bị đưa đi hành quyết một cách thô bạo và dã man, không cần bất cứ một lý do nào. Tiền tệ bị xóa bỏ, không kinh doanh, không thương mại. Mọi thứ đều trở thành bất hợp pháp và có thể là nguyên nhân để dẫn đến một cái chết bất cứ lúc nào. Tất cả người dân bị buộc sống tập trung trong các trại lao động trong suốt thời gian Khmer Đỏ cai trị, tổng số người chết vì bị tra tấn, bị bỏ đói, bị bệnh không được điều trị y tế hoặc bị hành quyết trong thời kỳ đó xấp xỉ 2 triệu người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em vô tội bị giết một cách man rợ.

Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Chính phủ Công hòa nhân dân Campuchia, được sự trợ giúp của Việt Nam giải phóng thủ đô Phnom Penh. Suốt thập kỷ 80 thế kỷ 20, cùng với sự giúp đỡ từ Việt Nam, người dân Campuchia từng bước xây dựng lại đất nước. năm 1989, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Năm 1991, Hiệp định hòa bình Paris được ký kết, 22,000 quân gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc được gửi tới Campuchia. Tháng 5 năm 1993, Ủy ban chuyển giao quyền lực Liên hiệp quốc tại Campuchia (UNTAC – United Nations Transitional Authority of Cambodia) tổ chức cuộc tổng bầu cử tự do đầu tiên tại Campuchia. Người dân Campuchia đã chọn chính thể quân chủ lập hiến cho đất nước mình với Hoàng thân Sihanouk trở thành vị vua của Vương quốc Campuchia.

Ngày nay, Vương quốc Campuchia trở lại với hình ảnh một nơi yên bình chào đón du khách, một cơ thể đang nỗ lực hồi sinh sau biết bao biến cố. Ngày 29 tháng 10 năm 2004, vua Sihanouk nhường ngôi cho con trai là Quốc vương Sihamoni. Tuy nhiên, vua Sihanouk vẫn giữ vị trí tôn kính trong tim của dân chúng Campuchia.

 

{ adClientCode: "ca-pub-7657460134627363", name: "properties/365594683/adSenseLinks/5656658302", },