Thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% là chỉ dấu rõ ràng để giảm giá xe, nhưng chính sách về thuế TTĐB, lệ phí trước bạ có thể ngược lại.
Kết thúc nửa đầu 2017, doanh số toàn ngành ôtô giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ 2016. Đại diện các hãng đều thừa nhận, tâm lý chờ đợi của khách hàng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Thời điểm 2018 càng tới gần, câu hỏi “liệu giá xe giảm hay tăng, nhiều hay ít” càng khiến khách hàng mông lung.
Cơ quan quản lý có thể đưa giá xe lên hay xuống bằng cách điều tiết ngược chiều các công cụ thuế, phí. Trong 2018, những loại thuế, phí nào có thể ảnh hưởng tới giá xe?
1. Thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%
Theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA), những xe có tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Điều này có nghĩa, đến 2018, Việt Nam có thể nhập ôtô từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia… với thuế 0%, giảm sâu với mức thuế ở 2017 là 30%. Khi đó, giá xe sẽ giảm đáng kể. Nếu tính toán theo công thức thuế chồng thuế, giá xe giảm khoảng 23% nếu thuế từ 30% về 0%.
Xe hơi muốn được giảm giá như vậy, phải đáp ứng đủ hai tiêu chí, sản xuất bởi một nước ASEAN và tỷ lệ nội địa hóa nội khối là 40%. Điều này có nghĩa, xe nhập từ ASEAN nhưng tỷ lệ nội địa thấp hơn 40% hoặc xe nhập từ một nước ngoài ASEAN như Hàn Quốc, Nhật, châu Âu… cũng không được hưởng mức ưu đãi này.
Theo các nhà sản xuất, hiện ở thị trường Việt Nam, số mẫu xe này khá ít, nhưng số lượng có thể tăng lên vào năm sau khi các hãng lần lượt đưa nhiều sản phẩm mới về nước.
2. Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới
Bộ Công thương mới đây đề xuất miễn thuế TTĐB với phần giá trị tạo ra trong nước của mỗi mẫu xe. Đề xuất này đẩy thị trường xe vào hai thái cực, giá xe lắp ráp trong nước giảm, giá xe nhập khẩu tăng.
Trong khi xe nhập khẩu có phần giá trị tạo ra trong nước gần như bằng 0 thì xe lắp ráp có thể tăng tỷ lệ này theo thời gian. Hàm lượng nội địa càng cao, thuế nộp càng ít, giá xe càng giảm. Lúc này, khoảng cách giữa giá xe lắp ráp và nhập khẩu càng xa.
Tuy nhiên, trả lời báo chí trong khuôn khổ triển lãm Việt Nam Motorshow 2017, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho rằng đề xuất này khó thực hiện bởi vi phạm cam kết của Việt Nam tại WTO cũng như các Hiệp định thương mại tự do. Đánh thuế TTĐB khác nhau giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp tức vi phạm quy tắc “không phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu và trong nước”.
Đề xuất của ông Dũng cũng như VAMA là giảm thuế linh kiện, hỗ trợ các nhà đầu từ sản xuất trong giai đoạn hội nhập để tạo sân chơi bình đẳng.
Nhưng với kế hoạch trở thành trung tâm xuất khẩu ôtô sang khu vực, một số chuyên gia dự báo để tránh vi phạm, Việt Nam sẽ vẫn áp dụng công cụ thuế TTĐB nhưng điều chỉnh theo một hình thức khác để tránh xung đột cam kết quốc tế, nhưng vẫn theo chiều hướng hỗ trợ xe lắp ráp, gây khó cho xe nhập khẩu.
3. Lệ phí trước bạ mới
Theo Nghị định 140/2016 về phí trước bạ áp dụng từ 1/1/2017 thì từ năm 2018, các địa phương có thể tăng mức phí trước bạ từ 10%-12% như hiện nay lên mức 15%. Tăng phí trước bạ không ảnh hưởng tới giá xe niêm yết của hãng nhưng làm tăng chi phí tổng mà khách hàng phải bỏ để có thể lăn bánh. Cả xe nhập khẩu và lắp ráp đều chịu tác động như nhau trong trường hợp này.
Ngay với xe bán tải, loại ôtô được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu (5%), TTĐB (15%-25%), trước bạ (2%) bấy lâu cũng đứng trước nguy cơ tăng giá do đề xuất mới của Bộ Công thương.
Theo đó, các mức thuế, phí áp dụng với bán tải được đề nghị tính giống như xe con, nâng lên thành nhập khẩu 30% (năm 2017), TTĐB 40%-110% tùy dung tích động cơ, trước bạ 10%. Cách tính này có thể khiến xe bán tải tăng giá tới gấp đôi so với giá hiện nay.
4. Tác động tổng hợp các loại thuế, phí
Ngay cả khi thuế nhập khẩu, TTĐB, VAT, phí trước bạ đã tính xong, nhà quản lý vẫn còn rất nhiều loại phí có thể can thiệp vào chi phí mua xe lăn bánh của người Việt. Đó có thể là chi phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm… hay thậm chí những loại phí chưa có ở Việt Nam như phí chứng minh chỗ đỗ…
Tác động tổng hợp của các loại thuế, phí vào đầu 2018 lên ôtô lắp ráp và nhập khẩu dự kiến theo chiều hướng dưới đây. Trong đó mũi tên đi xuống tức giảm, mũi tên đi lên là tăng và gạch ngang là không bị tác động. Loại trừ yếu tố ý chí của nhà sản xuất ở từng thời điểm.
Số lượng và tỷ lệ làm giá tăng/giảm của xe lắp ráp và nhập khẩu là tương tự nhau với hai loại tăng, một loại giảm và một không ảnh hưởng. Với bảng tổng hợp này có thể thấy, giá xe tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào biên độ ảnh hưởng của từng loại thuế, phí.
Ví dụ với xe lắp ráp hiện có giá 500 triệu. Nếu thuế TTĐB mới được áp dụng, mức giảm thuế là 50 triệu, mức tăng trước bạ và các loại chi phí khác là 30 triệu thì giá xe sẽ giảm 20 triệu. Ngược lại, nếu trước bạ và các loại chi phí khác tăng khoảng 60 triệu thì giá xe tăng 10 triệu. Tương tự như vậy cho xe nhập khẩu.
5. Phản ứng của các hãng xe tại Việt Nam
Đại diện các hãng liên doanh tại Việt Nam cho rằng việc thay đổi giá tăng hay giảm vẫn còn là suy đoán và chưa thể kết luận chính xác. Tuy nhiên hành động của từng hãng lại cho thấy định hướng nhập khẩu rõ ràng.
Cuối 2016, Honda thay Civic lắp ráp bằng nhập khẩu, tương tự với Fortuner của Toyota. Tại Vietnam Motor Show 2017 đang diễn ra ở TP HCM, hàng loạt mẫu xe nhập khẩu về nước ở khắp các phân khúc, sẵn sàng tham chiến trong 2018 như Toyota Wigo, Avanza, Alphard; Honda Jazz, Suzuki Celerio, Chevrolet Traiblazer…
Giám đốc một hãng liên doanh lớn cho rằng mức giảm giá khuyến mãi để kích cầu trong 2017 tại Việt Nam đã về gần với giá trung bình của khu vực, do đó khó có thể giảm thêm vào 2018.
“Trước những biến động của chính sách, việc của các hãng trong 2018 có thể chỉ là tập trung ổn định giá như năm nay hơn là tính toán xem tăng hay giảm”, vị này cho biết.
Với khách hàng, việc tiếp nhận cả “núi” thông tin chưa ngã ngũ mang tới tâm lý chờ đợi thường trực, kèm theo những thấp thỏm bởi những minh chứng của lịch sử – giá xe ở Việt Nam chưa bao giờ giảm sâu.
Theo Vnexpress