Ở châu Á, Subaru sẽ chỉ còn nhà máy lắp ráp xe ở Nhật Bản. Việc này được cho là sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất về chất lượng sản phẩm.
Tan Chong International Limited (TCIL) và Subaru Corporation đã thông báo chính thức về việc dừng lắp ráp ở Đông Nam Á, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Nhật Bản để bán ở khu vực thị trường này.
Quyết định trên được tiết lộ trong tài liệu nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Cách đây chỉ vài ngày, Subaru cũng đã thông báo chính thức ngừng mọi hoạt động sản xuất tại các nhà máy liên doanh của hãng ở Thái Lan vào cuối năm nay.
Như vậy, từ năm sau, xe Subaru bán ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam sẽ được nhập khẩu từ Nhật Bản. Việc chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên chiếc được kỳ vọng sẽ chuẩn hóa quy trình sản xuất và đảm bảo sự thống nhất về chất lượng xe của hãng.
Motor Image, công ty con của TCIL và là nhà phân phối độc quyền xe Subaru ở châu Á, được thành lập vào năm 1986, với trụ sở đặt tại Singapore, có văn phòng ở 9 thị trường.
Tập trung vào thị trường ASEAN, công ty này hợp tác với Subaru Nhật Bản vào năm 2011 để lắp ráp xe tại nhà máy ở Malaysia. Subaru XV là mẫu xe duy nhất được lắp ráp tại nhà máy của Tan Chong ở Segambut.
Năm 2017, Subaru Nhật Bản và TCMA TH (Thái Lan), công ty con của TCIL, đã thành lập liên doanh Tan Chong Subaru Automotive Ltd (TCSAT) để lắp ráp xe Subaru ở Thái Lan.
Dù liên doanh này rất thành công, nhưng TCIL và Subaru Corporation thấy cần thay đổi để đáp ứng sự thay đổi trong ngành ô tô.
Mặc dù dừng hoạt động lắp ráp, nhưng TCIL và Subaru Corporation một lần nữa khẳng định rằng sẽ vẫn hiện diện ở thị trường Đông Nam Á.
Tại thị trường Việt Nam, Subaru không phân phối mẫu xe nào lắp ráp tại Malaysia. Danh mục sản phẩm của hãng tại Việt Nam gồm mẫu Forester nhập khẩu từ Thái Lan, cùng các mẫu Outback, WRX và BRZ lắp ráp tại Nhật Bản.
Các mẫu xe của Subaru nói chung được đánh giá cao về công nghệ, tính năng vận hành, nhưng chưa hấp dẫn người tiêu dùng do hình thức không bắt mắt, giá kém cạnh tranh, do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Nhật Bản khá cao (50-70%) so với xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN (0%). Bên cạnh đó, nguồn cung xe và linh kiện, phụ tùng cũng không dồi dào.