Đỗ xe ở Hàn Quốc – cuộc chiến mới của thời đại ôtô bùng nổ

Mới lấy bằng, một tài xế ở Seoul cảm thấy lo lắng không phải về việc lái xe, mà làm thế nào kiếm được chỗ đỗ cho chiếc Kia Morning.

Mới lấy bằng, một tài xế ở Seoul cảm thấy lo lắng không phải về việc lái xe, mà làm thế nào kiếm được chỗ đỗ cho chiếc Kia Morning.

“Bạn từng có cảm giác hoàn toàn sụp đổ? Bạn sẽ làm thế nào khi phải tìm cách ủn một chiếc SUV cỡ lớn đi ‘khuất mắt’ để ra được khỏi chỗ trong khi đã muộn giờ làm?”, The Korea Herald đặt câu hỏi. Tình huống được đưa ra có thể rất quen thuộc với nhiều người đang sống tại các đô thị lớn trên thế giới. Người dân ở Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, cũng đang phải đối mặt với cuộc chiến mới khi không gian thành phố giữ nguyên, nhưng lượng xe cộ ngày càng tăng.

Ở Hàn Quốc, nơi xe hơi được coi như biểu tượng của điều kiện kinh tế xã hội, số lượng ôtô đăng ký tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng không gian đỗ xe vẫn chỉ có thế.

Năm 2017, số xe đăng ký là 22,5 triệu chiếc, tăng 3,3% so với 2016, theo Bộ Giao thông Hàn Quốc. Con số tương đương với lượng xe đăng ký ở bang California (Mỹ), nơi có diện tích đất rộng gấp ba so với Hàn Quốc.

Việc thiếu chỗ đỗ cũng như các quy định chưa phù hợp thực tế, người Hàn đỗ xe mọi nơi có thể: trên hè, trên làn đường cho xe ưu tiên, hoặc bất cứ ngóc ngách, khoảng trống nào họ tìm thấy. “Sau khi lấy bằng lái, nỗi sợ lớn nhất của tôi không phải là lái xe trên đường cao tốc, mà tìm được chỗ đủ rộng để vừa xe của mình”, Lee Joo Hyun, 30 tuổi, đi chiếc Kia Morning cho biết. Tuy nhiên, đỗ xe cũng gây rắc rối với cả những tài xế lâu năm.

“Tôi rời văn phòng sớm hơn giờ quy định vì sợ rằng bãi đỗ ở khu căn hộ nơi mình ở sẽ kín xe vào lúc 8 h tối”, Kim Sung Jae, 45 tuổi, giám đốc một công ty, người đã lái xe 20 năm, cho biết. “Không khác gì phải chạy đua với thời gian. Nếu thất bại, tôi sẽ phải lái xe lòng vòng quanh bãi đỗ cho tới khi ai đó, nhờ may mắn, quyết định lái xe đi chơi đêm, hoặc tôi sẽ phải đỗ bừa bên lối đi bộ”.

Nhưng thử thách không chỉ hiện diện ở các khu vực cư dân. “Nhà hàng ở Itaewon mà tôi từng tới ăn sáng vào tuần trước không thể đi đến nơi bằng tàu điện ngầm. Nhưng một nhà hàng có chỗ ngồi cho khoảng 30 người lại chỉ có hai chỗ đỗ, lại không có dịch vụ đỗ xe giúp khách”, Kim Sun Young, 31 tuổi, làm việc tại một nhà máy sản xuất thực phẩm địa phương, kể lại. “Bãi để xe công cộng gần nhất cũng mất 30 phút đi bộ. Vì thế tôi để luôn xe của mình trên làn đường phía trước nhà hàng”.

Kim không phải người duy nhất tự nghĩ ra giải pháp trong tình huống tương tự. Một khảo sát do hãng nghiên cứu thị trường Trendmonitor thực hiện cho thấy, 52,2% trong số 1.000 tài xế được hỏi nói rằng việc thiếu chỗ đỗ là nguyên nhân số một của lỗi đỗ xe sai quy định. Số phiếu phạt cho lỗi này đã tăng gần 7 lần, từ 2.604 trường hợp trong 2012 lên mức 15.439 trường hợp vào 2015, theo số liệu của Sở Cảnh sát Seoul.

Thiếu chỗ đỗ còn dẫn tới bạo lực. Một thanh niên tầm 20 tuổi bị bắt vào tháng 7/2017 do đập phá ôtô của hàng xóm bằng gậy đánh golf sau khi đối phương từ chối để lại chiếc xe đang chiếm tới hai chỗ tại khu căn hộ ở Incheon. Năm 2015, cảnh sát bắt giữ một người đàn ông 45 tuổi tên Han vì đốt một chiếc xe đỗ chiếm chỗ trên lối đi của một khu căn hộ phức hợp tại tỉnh Gyeonggi.

Thậm chí vấn đề về đỗ xe còn dẫn tới hậu quả nặng nề hơn thế. Tháng 12/2017 ở Jecheon, ngọn lửa bốc lên từ một trung tâm thể hình khiến 29 người chết. Khoảng 20 ôtô đỗ sai quy định phía bên ngoài trung tâm này đã chắn đường xe cứu hỏa, ngăn cản những nỗ lực cứu hộ.

Sau tai nạn thương tâm, quốc hội Hàn Quốc thông qua một dự luật về giao thông đường bộ, cho phép lính cứu hỏa dọn sạch những xe đỗ sai quy định cản đường cứu hộ mà không phải chịu trách nhiệm cho bất cứ thiệt hại nào. Luật mới có hiệu lực từ tháng 6 này.

Điều trớ trêu, theo The Korea Herald, là chỗ đỗ xe hợp pháp ở Hàn Quốc có tăng. Vào năm 2016, ở Seoul có 3,9 triệu chỗ, cao hơn so với số xe đăng ký là 3 triệu chiếc, theo chính quyền thành phố Seoul. Nhưng tăng về số lượng, các chỗ đỗ không phải luôn tiện lợi với người sử dụng.

“Việc đỗ xe ở Seoul trở nên khó khăn chủ yếu do thiếu chỗ đỗ tại các khu căn hộ ở những khu vực được phát triển vào những thời kỳ trước (những năm 1970-1990)”, Kim Dae Hong, một viên chức của chính quyền thành phố Seoul, phụ trách kế hoạch bãi đỗ xe của thành phố, cho biết. “Các quy định đối với các khu căn hộ theo đạo luật xây dựng của Hàn Quốc không yêu cầu các nhà xây dựng đảm bảo việc mỗi hộ gia đình có một chỗ đỗ”, Kim nói thêm.

Ở Hàn Quốc có thêm chỗ đậu xe dành riêng cho phụ nữ

“Với những khu vực có các tòa nhà mới mọc lên trong vài năm gần đây, vấn đề cũng không khác”, Shim Gyo Eon, giáo sư Đại học Konkuk, khoa nghiên cứu bất động sản, nhận xét. Lợi ích từ việc tăng chỗ đỗ không được phân bố đồng đều. Ở những khu vực kinh doanh tại Seoul, nơi đất đai đắt đỏ, chỉ một số xe có chỗ đỗ, những xe còn lại không thể sử dụng dịch vụ này một cách dễ dàng.

Trước những thách thức liên quan, những khu vực được dành cho những đối tượng được ưu tiên thường xuyên bị chiếm dụng. Khoảng 99,4% trường hợp đỗ xe sai quy định tại các không gian dành cho người tàn tật – thường nằm gần lối ra, vào của các tòa nhà, theo dữ liệu từ Bộ Y tế và An sinh xã hội Hàn Quốc.

Năm 2009, chính phủ Hàn Quốc áp dụng chính sách đặc biệt khi tạo ra những vị trí đỗ xe dành riêng cho phụ nữ, nhưng quy định hiếm khi được thực hiện đúng. “Không phải nghi ngờ về việc cần có những khu vực đỗ xe dành cho người tàn tật và phụ nữ. Nhưng cũng cần sáng suốt khi phân bổ theo thực tế về tỷ lệ sử dụng chỗ đỗ của người tàn tật và phụ nữ có thai ở mỗi tòa nhà”, giáo sư Shim nêu ý kiến.

Tuy nhiên, việc thiếu chỗ đỗ cũng tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Như các ứng dụng di động tìm chỗ đỗ còn trống trong các bãi để xe gần kề, và các dịch vụ đỗ xe độc lập với mức phí 2,8 USD mỗi xe không phụ thuộc vào khoảng thời gian đỗ.

Giờ đây, tham gia vào cuộc chiến đỗ xe ngày càng trở nên khốc liệt là “đội quân” xe điện đang ngày một đông. Không ít thành phố có riêng chỗ đỗ và trạm sạc đặc biệt dành cho ôtô chạy điện như một phần chiến dịch quảng bá cho dòng xe thân thiện với môi trường. Thậm chí còn có quy định, rằng xe động cơ đốt trong đỗ ở các trạm sạc điện sẽ bị phạt tới 185 USD, trong khi xe đỗ chặn lối vào các điểm sạc sẽ bị phạt tới 922 USD và sẽ áp dụng từ ngày 20/9 tới.

Nhưng vấn đề về đỗ xe sẽ được giải quyết theo hướng khả quan hơn nếu chính phủ nghiêm túc coi không gian đỗ xe là nhân tố quan trọng trong quá trình phê chuẩn các dự án xây dựng, theo nhận xét của các chuyên gia. “Ngân sách để xây dựng các bãi đỗ xe công cộng tại các khu vực có các chung cư hay khu căn hộ phức hợp kiểu cũ thường không được thông qua ở những giai đoạn đánh giá cuối cùng. Đó là bởi các chủ đầu tư hạn chế lợi ích của cư dân so với khoản tiền đầu tư”, giáo sư Kim Do Gyeong của khoa Công nghệ vận tải thuộc Đại học Seoul nhận xét.

Không dễ dàng để các nhà xây dựng đảm bảo được một khu vực đủ rộng cho không gian đỗ xe tại các khu căn hộ, cũng là khía cạnh mang lại thu nhập thấp nhất. Thực tế không chỉ đúng ở Seoul mà còn với nhiều đô thị khác trên thế giới: thêm đất có nghĩa thêm tiền.

Nhấn mạnh sự quan trọng của những kế hoạch dài hạn dành cho không gian đỗ xe, giáo sư Shim phát biểu: “Về lý thuyết, các chỗ đỗ xe nên được xây trong vòng 150 m ở những khu vực đông đúc, nhiều xung đột. Nếu họ đặt xa hơn 150 tới 200 m, các tài xế sẽ chọn cách để xe sai quy định”.

Theo Vnexpress

 

{ adClientCode: "ca-pub-7657460134627363", name: "properties/365594683/adSenseLinks/5656658302", },