Thuế quan mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe điện Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 5/7 vừa qua.
Báo cáo đầy đủ của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước bao gồm các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước, ưu đãi bán hàng, thuê đất xây dựng nhà máy với giá rẻ và hỗ trợ phát triển pin.
Qua phân tích khoản tiền mà Chính phủ Trung Quốc trợ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước khác nhau, EC ấn định các mức thuế khác nhau cho các hãng xe.
Tập đoàn SAIC, chủ sở hữu của thương hiệu MG, nhận được sự hỗ trợ lớn nhất lên tới 34,4% chi phí giá thành xe.
Mức này bao gồm 1,38% ưu đãi khoản vay từ các ngân hàng nhà nước, 8,27% từ các nguồn tài chính khác, 8,56% dưới dạng tài trợ, 2,28% dưới dạng ưu đãi bán xe điện, 0,67% cho ưu đãi thuê bất động sản và 13,24% cho giá trị pin.
Nhờ đó, chi phí sản xuất ô tô tại Trung Quốc thấp hơn hẳn ở châu Âu. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chiếc xe điện MG4 EV sản xuất tại Trung Quốc được bán tại châu Âu có giá thấp hơn gần 13.000 USD (330 triệu đồng) so với giá xe điện Volkswagen ID.3 sản xuất tại châu Âu.
SAIC cũng bị đánh giá là thiếu hợp tác trong quá trình điều tra của EC. Đây cũng là lý do khiến công ty phải chịu mức thuế tối đa 37,6%.
BYD và Geely được đánh giá là nhận ít sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc và cả hai đều minh bạch với nhóm điều tra của Ủy ban EC. Do đó, hai hãng xe chỉ phải đối mặt với mức thuế lần lượt là 17,4% và 19,9%.
Mặc dù đã đàm phán với EU trong vài tuần qua, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn không thể thuyết phục các cơ quan quản lý của châu Âu từ bỏ kế hoạch áp thuế của họ. Tuy vậy, hệ thống thuế mới chỉ áp dụng tạm thời trong 4 tháng. Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề này trong những tuần tới.
Tuy vậy, Trung Quốc đã cảnh báo châu Âu rằng nước này sẽ trả đũa bằng thuế nhập khẩu của riêng mình đối với các xe ô tô đến từ châu Âu nếu tình hình không thể giải quyết một cách ổn thỏa.