Công ty tuyên bố họ có tài sản trị giá từ 500 triệu – 1 tỉ USD (12,72 – 25,45 nghìn tỷ VNĐ) nhưng cũng đang phải gánh khoản nợ từ 100 – 500 triệu USD (2,54 – 12,72 nghìn tỷ VNĐ). Theo hồ sơ tòa án, công ty có khoảng 200 – 999 chủ nợ.
Fisker được thành lập bởi nhà thiết kế ô tô nổi tiếng Henrik Fisker. Hãng từng được đánh giá cao khi ra mắt mẫu xe điện Ocean vào năm 2022. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, công ty đã phải tạm dừng sản xuất mẫu xe này do những áp lực tài chính không thể vượt qua.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ lạm phát, vấn đề chuỗi cung ứng và sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện khác, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến Fisker phải tìm kiếm các lựa chọn chiến lược, bao gồm tái cấu trúc và bán tài sản. Cuộc đàm phán với một nhà sản xuất ô tô lớn vào tháng 3 vừa qua không thành công đã đẩy Fisker vào tình thế bế tắc.
Dự trữ tiền mặt cạn kiệt, chi phí tiếp thị và phân phối cao, cùng với nhu cầu xe điện giảm sút đã khiến Fisker không thể duy trì hoạt động. Công ty đã phải cắt giảm lực lượng lao động khoảng 15% và tạm dừng đầu tư vào các dự án tương lai.
Trong năm 2023, Fisker đã sản xuất hơn 10.000 xe nhưng chỉ bán được khoảng 4.700 chiếc, thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu.
Hiện tại, các mẫu xe của Fisker đang bị các cơ quan quản lý điều tra về một số sự cố, bao gồm cả cuộc điều tra do Cơ quan Quản lý An toàn Ô tô Mỹ bắt đầu vào tháng trước.
Không chỉ Fisker, mà trong 2 năm trở lại đây cũng có nhiều công ty xe điện tại Mỹ nộp đơn xin phá sản như: Proterra, Lordstown và Electric Last Mile Solutions…do phải vật lộn với nhu cầu giảm sút, khó khăn trong huy động vốn và những thách thức vận hành do các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu.