Ô tô nhập khẩu “tắc đường về”, các nhà sản xuất trong nước không đủ nguồn cung khi sức mua gia tăng thời điểm cận Tết Nguyên đán, khiến trường ô tô Việt Nam rơi vào cảnh náo loạn.
Sau chuỗi ngày dài ảm đạm, thị trường ô tô VN đang nhộn nhịp trở lại trong mùa bán hàng cận Tết Nguyên đán. Tâm lý mong muốn sắm ô tô chơi Tết của người tiêu dùng giúp sức mua gia tăng, thế nhưng thực tế việc “cung không đủ cầu” khiến hầu hết khách hàng, đại lý rơi vào cảnh bị động.
Có tiền chưa hẳn sắm được ô tô trước Tết
Trái ngược với tâm lý chờ đợi trong những tháng trước đây, chính sách thắt chặt ô tô nhập khẩu khiến giấc mơ “xe hơi giá rẻ” của người tiêu dùng dần trở nên hao gầy. Giá ô tô không giảm như kỳ vọng, trong khi dịp Tết Nguyên đán lại đang cận kề, tạo động lực để nhiều khách hàng quyết định xuống tiền sắm ô tô ngay trong dịp trước Tết. Thế nhưng: “Lúc này, có tiền chưa hẳn đã sắm được chiếc ô tô như dự định” – anh Quang Nhật, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ.
Lên kế hoạch mua Mazda CX-5 từ cuối tháng 10.2017 nhưng tại thời điểm đó giá ô tô trên thị trường liên tục biến động, lại có thông tin về mẫu xe mới sắp ra mắt nên anh Nhật quyết định chờ đợi sang 2018. Tuy nhiên, đến nay khi liên hệ một số đại lý Mazda tại TP.HCM, anh đều được nhân viên bán hàng báo “không có xe để giao ngay trước Tết”.
Không chỉ Mazda CX-5 mới rơi vào cảnh khan hàng, một số mẫu xe vốn hút khách của Honda, Ford hay Toyota… các đại lý phân phối cũng không đủ xe để giao cho khách đặt mua tại thời điểm này. Nhân viên bán hàng đại lý Honda trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Các mẫu xe nhập khẩu như CR-V, Civic đã khan hàng từ tuần trước, riêng chỉ còn Honda City lắp ráp tại VN nhưng nhà máy cũng không đủ nguồn cung cho đại lý bán hàng. Khách đặt mua City lúc này phải chờ đợi sang Tết mới có xe nhưng thời gian cụ thể thì chúng tôi chưa dám hứa”.
Không còn tình trạng xe giảm giá vẫn vắng khách mua như những tháng trước đây. Thực tế tại thời điểm này, một số khách hàng sẵn sàng chi thêm tiền “lót tay” cho nhân viên bán hàng các đại lý những vẫn bất lực, bởi nguồn cung có hạn. Anh Ngô Tuấn Cường, ngụ Bình Dương, đang tìm mua chiếc Honda CR-V 7 chỗ cho biết: “Gia đình đông người nên tính mua Honda CR-V 7 chỗ, so với giá dự kiến trước đây thì giá mẫu xe này tăng hơn 200 triệu đồng nếu tính luôn cả tiền phụ kiện, bảo hiểm. Tuy nhiên, hơn cả tuần này vẫn chưa mua được xe dù sẵn sàng chi thêm tiền cho nhân viên đại lý để nhận xe trước Tết nhưng tất cả đều lắc đầu”. Trước đó, lô xe Honda CR-V thế hệ mới thông quan vào VN trước ngày 1.1.2018 chỉ có 750 chiếc. Chính vì vậy, nguồn phân phối cho các đại lý cung có hạn. Giám đốc bán hàng của một đại lý Honda tại TP.HCM chia sẻ: “Chỉ trong một tuần đã tiêu thụ hết lượng xe CR-V được hãng cung cấp cho đại lý.
Không chỉ riêng Mazda, Honda… hầu hết các mẫu mã ô tô vốn hút khách tại thời điểm này như Toyota Fotuner, Hyundai SantaFe, Ford Everest, Ford Explorer, Toyota Land Prado… đều khan hiếm nguồn cung. Việc khách hàng sẵn sàng chi thêm tiền để mua được xe trước Tết không còn là chuyện hiếm. Thế nhưng điều này cũng khiến không ít người bất ngờ, bởi chỉ vài tháng trước nhiều mẫu ô tô vẫn trong cảnh chật vật kiếm khách khi phần lớn người tiêu dùng mang tâm lý chờ đợi sang năm 2018, thuế ô tô nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0% mới quyết định mua xe.
Tuy nhiên, tác động từ chính sách thắt chặt xe nhập khẩu ngay trong thời điểm nhu cầu mua xe tăng cao khiến thị trường rơi vào cảnh náo loạn. “Nhiều người mong chờ đến 2018. Bây giờ đã hết tháng 1.2018 rồi! Muốn mua ô tô đi trong dịp Tết này còn khó chứ nói gì đến chuyện xe giá rẻ”.
Tác động dây chuyền từ chính sách
Tình trạng ô tô nhập khẩu, lắp ráp rơi vào cảnh khan hàng phần nào do tác động từ những chính sách được ban hành vào cuối năm 2017.
Đến thời điểm này, Nghị định 116 với những quy định mới đang tạo ra rào cản lớn với ô tô nhập khẩu, khiến hầu hết các DN kinh doanh ô tô không thể nhập xe về VN. Trong đó, khó khăn lớn nhất đối với DN nhập khẩu là phải đáp ứng mọi thủ tục giấy tờ và quy định kiểm tra thử nghiệm theo từng lô xe nhập khẩu, khiến DN tốn nhiều thời gian, chi phí khi nhập ô tô về VN.
Mới đây, Thông tư 03/2018 với nội dung hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, vừa chính thức công bố, vẫn giữ nguyên quy định về việc DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp đầy đủ các thủ tục giấy tờ, trong đó phải có bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Đây được xem là khó khăn lớn nhất khiến các DN chưa thể nhập xe về VN. Theo đại diện một hãng xe thuộc VAMA cho biết: “Dù hiện nay, một số hãng đã có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô do Bộ Công thương cấp, DN có thể nhập xe về cảng nhưng nếu không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu thì không thể hoàn thành hồ sơ đăng ký, kiểm tra để làm thủ tục thông quan”.
Trong khi đó, Nghị định 125 với nội dung áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với một số loại linh kiện ô tô trong 5 năm kèm theo điều kiện về sản lượng tiêu thụ cũng tác động đến các đơn vị lắp ráp ô tô trong nước. Tâm lý chờ đợi các linh kiện nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% về VN khiến hoạt động lắp ráp ô tô bị chậm lại. Điều này phần nào ảnh hưởng đến lượng xe xuất xưởng ra thị trường.
Ô tô lắp ráp, nhập khẩu khan hàng đúng vào thời điểm sức mua gia tăng khiến các đại lý rơi vào thế bị động. Một số đại lý Honda tại TP.HCM đang trong tình trạng không có hàng để bán. “Không còn xe để bán, chúng tôi chỉ còn trông chờ vào việc làm dịch vụ, bảo dưỡng ô tô dịp cuối năm để tạo nguồn thu cho đại lý”. – Giám đốc một đại lý Honda tại TP..HCM chia sẻ. Trong khi đó, các đại lý Ford đều cho biết, kho đã sạch hàng chỉ còn một số dòng xe lắp ráp, tình trạng khan hàng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của địa lý dịp cận Tết.
Tuy nhiên, chung quy lại “trăm dâu đổ đầu tằm” với tình trạng ô tô khan hàng đội giá bán, người tiêu dùng có nhu cầu sắm ô tô đi Tết vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi mất các khoản phụ phí cho đại lý mới hy vọng có thể sắm ô tô trước Tết.
Theo Thanh Niên