Bất chấp nỗ lực hạ giá của nhiều hãng xe, thị trường lại tụt dốc và chỉ tiêu thụ gần 21.000 xe, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo hằng tháng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 7 đạt 20.662 xe, trong đó có 11.195 xe du lịch; 8.489 xe thương mại và 978 xe chuyên dụng. Tất cả các chỉ số đều giảm.
So với tháng 6, doanh số xe du lịch giảm 21%, sản lượng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% còn ôtô nhập khẩu nguyên chiếc giảm 17%.
Thị trường giảm đều nên bảng xếp hạng các nhà phân phối cũng như các mẫu xe có doanh số cao nhất không có nhiều biến động. Theo đó, dù đang có lượng xe tồn khá lớn, Trường Hải tiếp tục là nhà sản xuất có thị phần lớn nhất thị trường với 35,4%, trong đó có 19,4% thị phần từ mảng xe du lịch.
Toyota Việt Nam đứng thứ 2 với 22,2% thị phần và Ford Việt Nam chiếm vị trí số 3 với 12,6%. Các liên doanh khác như Honda, Suzuki, Mitsubishi hay GM Việt Nam chia nhau số thị phần còn lại.
Top 10 ôtô bán chạy nhất tháng 7 tiếp tục là những cái tên quen thuộc như Toyota Vios, Ford Ranger, Toyota Fortuner, Kia Morning hay Mazda 3 trong đó, Toyota Vios bán tốt nhất với hơn 1.500 xe bán ra.
Tính đến hết tháng 7, doanh số cộng dồn của toàn thị trường đạt 154.930 xe trong đó, xe du lịch đạt 90.549 chiếc, xe thương mại đạt 55.915 xe và xe chuyên dụng là 8.421 chiếc.
So với năm ngoái, soanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước trong 7 tháng đầu năm giảm 10% và chỉ đạt 11.482 chiếc.
Thị trường suy giảm được nhận định là do tâm lý khách hàng dừng mua chờ giảm giá với hi vọng giá xe sẽ giảm mạnh trong năm 2018. Sức mua giảm cùng sức ép doanh số buộc các hãng xe lao vào cuộc đua hạ giá. Ngay cả những hãng xe nổi tiếng giữ giá cũng phải xuống nước, giảm giá tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc giá xe thay đổi cả trăm triệu chỉ sau 1 ngày cũng là con dao hai lưỡi khiến người tiêu dùng băn khoăn và có xu hướng chờ tiếp.