Vinasun cho biết hơn 4.000 lao động nghỉ việc do Uber, Grab. Tuy nhiên, một số số liệu cho thấy lao động nghỉ việc có thể đến từ những nguyên nhân khác.
Mới đây, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – VNS) có văn bản gửi tới Chính phủ kiến nghị một số hoạt động của Grab Taxi và Uber Việt Nam.
Nội dung văn bản là kiến nghị cơ quan quản lý cần xếp loại hình hoạt động của Grab, Uber và các công ty tương tự vào “kinh doanh vận chuyển hành khách đường bộ bằng taxi”. Đồng thời, các hoạt động cạnh tranh “không lành mạnh” bằng các chiêu thức giảm giá của Uber, Grab cần được chấm dứt.
Thông tin quan trọng nhất mà Vinasun kêu cứu là chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, 4.239 người lao động của hãng nghỉ việc, 300 đầu xe phải nằm bãi. Đơn vị này khẳng định nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh “thiếu lành mạnh” của Uber và Grab. Vinasun cho biết thêm có 10.084 tài xế ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất 3 tháng đầu năm của Vinasun lại thể hiện những con số khác. Cụ thể, tổng số lượng nhân viên tính đến hết 31/3 là 17.000 người, chỉ giảm 160 người so với cuối năm 2016.
Lái xe “làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu” nhưng phải trả hãng 600.000-800.000 đồng/ngày
Mới đây, Vinasun chuyển đổi mô hình hoạt động, từ hình thức chia sẻ doanh thu sang mô hình cho thuê xe.
Mô hình kinh doanh cho thuê xe là một quyết sách lớn đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 Vinasun thông qua nhằm đối phó với các nguy cơ từ taxi ứng dụng công nghệ như Grab và Uber.
Trong mô hình truyền thống, Vinasun sở hữu xe, thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận 40-60% doanh thu và phải chịu tiền xăng. Doanh nghiệp nhận phần còn lại và trả các chi phí khác liên quan đến xe như phí điểm đón khách, bảo dưỡng định kỳ và chi phí sửa chữa xe.
Với mô hình chia sẻ doanh thu này, lái xe là nhân viên của công ty và công ty chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm cho tài xế.
Trong khi đó, với mô hình cho thuê xe mới triển khai, lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng mỗi ngày. Lái xe sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe gồm xăng dầu, chi phí bảo dưỡng, sửa xe, bến đỗ. Trong mô hình này, hãng sẽ không chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội cho lái xe.
Cuối tháng 4, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun, cho biết đã có 1.335 xe hoạt động theo mô hình cho thuê xe và kỳ vọng tăng lên 3.000 xe, tương đương 47% tổng số lượng xe vào cuối tháng 6.
So với con số hơn 4.000 lao động nghỉ việc, con số hơn 1.300 này vẫn còn chênh lệch.
Trao đổi với Zing.vn, ông Tạ Long Hỷ – Phó tổng giám đốc Vinasun – từ chối giải thích thêm về chênh lệch trong con số lao động nghỉ việc do Vinasun công bố. Lãnh đạo Vinasun nói rằng số lao động nghỉ việc có thể tăng lên 6.000 rồi 8.000 người trong tương lai.
Ông Tạ Long Hỷ không đưa ra bình luận hay giải thích về ý kiến cho rằng chính chính sách hoạt động của hãng thay đổi là nguyên nhân khiến cho tài xế nghỉ việc.
Tự đổi mới thay vì đi kiện
Hết quý I, kết quả kinh doanh của Vinasun giảm khá mạnh. Doanh thu đạt 1.093 tỷ đồng, giảm 4%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 55 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ 2016.
Hãng phân tích lợi nhuận giảm do sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ Uber, Grab và chi phí nhiên liệu tăng 11% so với cùng kỳ 2016.
Trước đó, năm 2016 hãng taxi này đạt 313 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ 5% so với năm trước dù hãng đã thanh lý nhiều xe cũ để cứu vãn lợi nhuận, để không bị giảm quá sâu.
Năm 2017, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.025 tỷ đồng, giảm 11% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 205 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2016.
Việc chuyển đổi mô hình từ chia sẻ doanh thu sang cho thuê xe được đánh giá là tích cực nhưng Vinasun sẽ còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện mô hình này.
Trong khi đó, hãng có bộ máy kinh doanh cồng kềnh so với các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab hay Uber. Trong khoảng 17.000 nhân viên của hãng thì bộ phận không trực tiếp kinh doanh đã gần 3.000 người. Chi phí quản lý liên tục tăng dù hoạt động kinh doanh giảm sút sẽ được cho là gánh nặng của công ty.
Bản thân hãng này đã xây dựng một ứng dụng gọi xe có tên là Vinasun App nhưng giá cước không thay đổi được cho là nguyên nhân khiến khách hàng không mấy hào hứng.
Anh Việt, một khách hàng tại TP.HCM, cho biết anh thường xuyên đi cả taxi truyền thống và xe gọi bằng ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, nếu để chọn, anh vẫn sẽ chọn “taxi công nghệ” vì cảm giác an tâm và chất lượng.
Kể từ khi xuất hiện Uber và Grab tại Việt Nam, các hãng taxi truyền thống đã nhiều lần lên tiếng để cơ quan chức năng không cho phép hoạt động nhưng bất thành.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp taxi truyền thống cần phải chấp nhận thực trạng để tự thay đổi. Theo ông, sự có mặt của Uber hay Grab là biểu hiện của sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tất cả tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đều được tự do kinh doanh theo pháp luật Việt Nam.