Dựa theo những điều kiện cần có để được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện 0%, không phải hãng xe nào ở Việt Nam cũng đáp ứng được.
Vừa qua, Nghị định 125/2017/NĐ-CP ban hành ngày 16/11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP có những thay đổi về thuế nhập khẩu mặt hàng ô tô đã qua sử dụng và ưu đãi với linh kiện ô tô, áp dụng từ ngày 1/1/2018. Trong khi xe cũ nhập khẩu bị áp mức thuế tăng cao hơn trước đây, thì thuế nhập khẩu linh kiện sẽ về 0% mang đến cơ hội giảm giá bán cho các mẫu xe lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, điều kiện đặt ra để được hưởng mức thuế suất ưu đãi kể trên cũng không đơn giản. Cụ thể, trong năm 2018, sản lượng chung tối thiểu của một hãng phải đạt được mức 8.000 xe và đối với một mẫu xe cam kết phải được 3.000 xe, trong giai đoạn 6 tháng. Tính trung bình, nếu muốn đáp ứng sản lượng xe tối thiểu thì mỗi hãng phải có một mẫu xe đạt doanh số từ 500 chiếc/tháng.
Xét trên thực tế thị trường hiện nay, dường như chỉ có Toyota, Mazda, Kia và Hyundai là có khả năng được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện. Toyota có mẫu Vios hiện đạt doanh số trên 1.000 xe/tháng. Với Mazda là các mẫu chủ lực CX-5 và Mazda3. Kia có Morning và Cerato. Hyundai cũng đang sở hữu Grand i10.
Phần còn lại đều không mấy khả quan. Honda hiện chỉ còn duy nhất mẫu City đang lắp ráp trong nước sau khi CR-V chuyển qua thế hệ mới và nhập khẩu từ Thái Lan. Ford chỉ dựa vào Ranger và EcoSport, nhưng mẫu bán tải lại là xe nhập khẩu, còn doanh số EcoSport không hẳn quá cao. Mitsubishi, Nissan hay Suzuki cũng tương tự.
Có thể thấy, chính sách mới áp dụng từ 2018 sẽ tạo ra sự phân chia rõ rệt. Những hãng nào đủ khả năng duy trì doanh số cao sẽ hưởng lợi và có thể định giá ở mức thấp cho các sản phẩm xe lắp ráp của mình. Ngược lại, nhiều hãng sẽ dần chuyển hướng sang nhập khẩu toàn bộ danh mục xe, nhằm tối ưu hiệu quả kinh doanh.
Theo Dân Việt