Tranh cãi gay gắt chuyện ôtô nhập khẩu bí đường về Việt Nam

Các hãng xe ngoại than quy định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu là không phù hợp thông lệ quốc tế, nhưng DN trong nước lại cho rằng quy định này bình thường.

Các hãng xe ngoại than quy định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu là không phù hợp thông lệ quốc tế, nhưng DN trong nước lại cho rằng quy định này bình thường.

Những ý kiến tranh luận gay gắt của hai nhóm doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, phân phối ôtô đã được nêu trong buổi đối thoại do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 26/2.

Buổi đối thoại diễn ra 4 tháng sau khi Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô và Thông tư số 03 có hiệu lực với nhiều vướng mắc. Trong khi khối ngoại than quy định mới không phù hợp thông lệ, làm khó hoạt động nhập khẩu xe, thì doanh nghiệp nội cho rằng việc này tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Không phù hợp thông lệ quốc tế

Các doanh nghiệp ngoại như Toyota, Ford, GM… bày tỏ quan ngại khi cho rằng một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không theo thông lệ quốc tế, làm gián đoạn, thậm chí là ngưng trệ hoạt động nhập khẩu ôtô vào Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cũng là Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita, nêu ra 4 khó khăn lớn.

Các khó khăn vị này nêu tập trung ở quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ôtô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ôtô nhập khẩu; biện pháp xử lý đối với những đơn đặt hàng ôtô nhập khẩu xảy ra trước khi ban hành Nghị định 116, và quy định mới về đường chạy thử ôtô dành cho các nhà sản xuất trong nước.

Ông Toru Kinoshita còn cho rằng một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp. Bởi những quy định này đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ôtô từ tất cả các nước. Bằng chứng là từ đầu năm 2018, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh, số xe qua cảng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều hãng xe khác cũng than rằng quy định về “giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài” là không phù hợp thông lệ quốc tế. Các nước chỉ cấp chứng nhận với xe lưu hành trong nước, chứ không chứng nhận cho xe xuất khẩu. Ngoài ra, quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu cũng được cho là gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

Các DN này cũng không đồng tình với quy định phải có đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800 m, bởi gây ra những khó khăn, tốn kém về quỹ đất, tiền đầu tư. Hơn nữa, các hãng xe có những công nghệ khác nhau để bảo đảm chất lượng, không nhất thiết phải có đường thử dài 800 m…

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, nói DN chỉ có thời gian chuẩn bị ngắn trước khi Nghị định 116 có hiệu lực. Hiện Ford vẫn chưa dám nhận đơn hàng. Bởi nếu xe không đạt yêu cầu sẽ phải buộc tái xuất, nhưng tái xuất đi đâu là cả một vấn đề, do các nước có những yêu cầu khác nhau.

“Nghị định 116 tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng”

Trong khi đó, đại diện các DN trong nước như Trường Hải, Hyundai Thành Công lại có ý kiến trái ngược với những bức xúc của DN ngoại. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải, khẳng định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Ông Dương cũng nói giấy chứng nhận này không nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước các nước cấp, mà có thể do các tổ chức có thẩm quyền khác. Chẳng hạn xe của Đức có thể xin các giấy chứng nhận từ các tổ chức ở quốc gia khác.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công chia sẻ sự đồng tình với Trường Hải, và nhấn mạnh nếu ôtô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan Nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá, xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.

Đại diện các DN trong nước cũng cho rằng Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN sản xuất, nhập khẩu ôtô và đề nghị không nên hoãn việc thực thi Nghị định, để đảm bảo công bằng với các DN đang nỗ lực, cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu.

Các bộ sẽ xem xét từng khía cạnh vấn đề

Chia sẻ với các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng. Lãnh đạo hai bộ nhấn mạnh lắng nghe với tinh thần cầu thị, không có ý tưởng tạo rào cản cho DN.

Điều hành buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Nghị định 116 được xây dựng công phu, trước khi ban hành đã lấy ý kiến các DN, các đối tượng tác động.

“Chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các DN nước ngoài và trong nước để sản xuất ôtô chất lượng. Chính phủ cũng tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý; đồng thời quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ”, ông Dũng nói.

Ông Dũng nói thêm cần xem xét nhiều vấn đề DN nêu ra một cách thấu đáo, nghiêm túc. Ông đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, DN ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ôtô, để từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề. Ông đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan tiếp thu, đưa ra các lý giải thỏa đáng với DN.

Theo Zing

Bạn có thể quan tâm
Bình luận
Loading...
{ adClientCode: "ca-pub-7657460134627363", name: "properties/365594683/adSenseLinks/5656658302", },