Từ ngày 5/7/2024, mức thuế mới của EU áp dụng cho xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào khu vực này đã chính thức có hiệu lực, với mức thuế tối đa lên đến 38%. Quyết định này được dựa trên những phát hiện về cách Trung Quốc trợ giúp ngành công nghiệp ô tô của mình một cách mạnh mẽ và rộng rãi.
Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên tiết lộ chi tiết các hình thức trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất ô tô. Các khoản vay từ ngân hàng quốc doanh, tài trợ, ưu đãi bán hàng, giảm giá đất cho nhà máy và trợ cấp pin đều đóng góp vào việc hỗ trợ các công ty xe điện Trung Quốc.
Theo phân tích của EC, mỗi nhà sản xuất xe điện từ Trung Quốc nhận mức hỗ trợ khác nhau từ chính phủ. SAIC, chủ sở hữu thương hiệu MG, được đánh giá nhận hỗ trợ lớn nhất, lên đến 34,4%, theo Reuters. Cụ thể, tỷ lệ này bao gồm: 1,38% từ các khoản vay của ngân hàng quốc doanh, 8,27% từ các nguồn tài chính khác, 8,56% từ trợ cấp, 2,28% từ ưu đãi bán hàng xe điện, 0,67% cho việc giảm giá đất và 13,24% cho trợ cấp pin.
Do việc sản xuất tại Trung Quốc có chi phí thấp hơn nhiều so với ở châu Âu, MG có thể bán xe điện MG4 với giá thấp hơn gần 13.000 USD so với Volkswagen ID.3.
SAIC cũng bị chỉ trích vì thiếu hợp tác trong cuộc điều tra của EU, góp phần vào việc hãng bị áp mức thuế tối đa 37,6%, bên cạnh mức thuế hiện có là 10%.
BYD và Geely, hai nhà sản xuất khác của Trung Quốc, nhận ít hỗ trợ hơn và hợp tác chặt chẽ với nhóm điều tra của EC, do đó, chỉ phải chịu mức thuế 17,4% và 19,9%. Dù tự sản xuất pin, BYD vẫn sử dụng các vật liệu như lithium được chính phủ trợ cấp.
Mặc dù đã tổ chức đàm phán với EU trong vài tuần qua, ngành ô tô Trung Quốc không thể thuyết phục cơ quan quản lý từ bỏ mức thuế quan mới. Các mức thuế này sẽ có hiệu lực tạm thời trong 4 tháng và cả hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong những tuần tới.
Trung Quốc đã cảnh báo châu Âu rằng nước này sẽ có biện pháp đáp trả bằng thuế nhập khẩu nếu tình hình không được giải quyết một cách thân thiện.