Ford sẽ xây dựng một nhà máy pin mới trị giá 3,5 tỷ USD tại bang Michigan với sự hợp tác của công ty CATL của Trung Quốc. Trong đó Ford chịu trách nhiệm vận hành hoàn toàn nhà máy thông qua công ty con, còn CATL cung cấp các nền tảng công nghệ. Dự án xây dựng sẽ tạo ra 2.500 việc làm cho khu vực, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2026.
Tại nhà máy pin mới có tên là Marshall, Ford sẽ sản xuất pin lithium iron phosphat (LFP). Công nghệ này sử dụng nguyên liệu thô rẻ hơn, có thể sạc lại thường xuyên hơn và nhanh hơn so với Pin Lithium niken mangan coban oxit (NCM). Ngoài ra, pin LFP còn được đánh giá là an toàn, ổn định và có tuổi thọ cao.
Hầu hết các loại xe điện ngày nay đều sử dụng pin NCM vì chúng có khả năng lưu trữ điện năng tốt. Tuy nhiên, các vật liệu cấu thành nên loại pin này như niken và coban có giá thành khá cao. Bên cạnh đó, việc khai thác các loại vật liệu này cũng dẫn tới các vấn đề về nhân quyền và môi trường. Do đó, ngày càng nhiều nhà sản xuất chuyển hướng sử dụng các loại pin khác và và pin LFP hiện là lựa chọn đáng cân nhắc nhất.
Tuy nhiên, pin LFP cũng có những nhược điểm nhất định. Các tế bào pin LFP có mật độ thấp hơn loại NCM. Do đó, loại pin này cần nhiều thể tích hơn để đạt được cùng một mức dung lượng với NCM và điều này khiến cho khối lượng xe điện vốn đã nặng càng trở nên nặng hơn. Ngoài ra, một vấn đề khác với pin LFP là chúng thường không hoạt động tốt ở vùng khí hậu lạnh.
Marshall là dự án nhà máy xe điện lớn thứ hai được Ford công bố trong những năm gần đây. Trước đó, thương hiệu Blue Oval cũng cho biết sẽ chi 11,4 tỷ USD cùng với SK Innovation, một nhà sản xuất pin của Hàn Quốc, xây dựng siêu nhà máy ở Tennessee và Kentucky để lắp ráp xe tải và SUV chạy điện.
Blue Oval đang đầu tư rộng rãi 50 tỷ USD để phát triển và chế tạo xe điện, với mục tiêu sản xuất 2 triệu chiếc vào năm 2026. Ford là thương hiệu có doanh thu xe điện đứng thứ hai tại Mỹ vào năm ngoái, chỉ sau Tesla.